Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009

Game ngoại lấy tiền Việt

Game ngoại lấy tiền Việt

Lao Động Cuối tuần số 49 Ngày 06/12/2009 Cập nhật: 7:40 AM, 06/12/2009
Game online đang là một loại hình giải trí thu hút giới trẻ đông nhất tại VN. Ảnh: P.K.
(LĐCT) - Năm 2008, doanh số của toàn ngành nội dung số tại VN đạt 180 triệu USD, trong đó game (trò chơi điện tử) chiếm đến 75%, đạt 130 triệu USD, cho thấy thị trường này tại VN lớn như thế nào.
Thế nhưng đến thời điểm gần hết 2009, trong khi các nhà phát hành game online (GO) VN càng muốn thúc đẩy thị trường, thì như một lẽ tất yếu, dòng tiền từ trong nước chảy ra nước ngoài càng nhiều. Thị trường GO tại VN hiện khá sôi động nhờ hầu hết vào game ngoại. Vì thế, game ngoại vô tư... lấy tiền Việt.
Thị trường lớn nhất Đông Nam Á

Theo một báo cáo mới nhất của Hiệp hội DN phần mềm VN (VINASA), thị trường VN hiện có tổng cộng 53 game đang được phát hành, trong số này có 30 GO, 51/53 game đã được thương mại hoá. Cách đây vài năm, một số quan chức thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông từng đưa ra con số định hướng, rằng mức vừa phải đối với thị trường VN là chỉ nên cho phép lưu hành khoảng 20 game. Thì đến nay, con số đó đã bị phá vỡ. Hiện các Cty phát hành GO vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những game mới để nhập về.
VN là thị trường game lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Trong hai năm 2008-2009, số lượng game mới nhập vào VN gia tăng nhanh đến chóng mặt. 40 game đã được chính thức ra mắt một cách tập trung tại Hà Nội và TPHCM. Thế nhưng trong số hàng chục game đang được vận hành trên thị trường, chỉ có một game Việt là "Thuận Thiên Kiếm" (TTK), do VinaGame phát triển.

Trong lúc này, nhắc tới game Việt coi như nói đến TTK. Nói một cách sòng phẳng thì ngành game VN dù đã có thị trường nhưng về sản xuất thì gần như chưa có gì. Ngay đối với trường hợp TTK, dù được nhà phát triển quan tâm PR nhưng lượng người chơi cũng như mức độ quan tâm của cộng đồng game thủ đối với game này chưa cao, không thể sánh với những game như "Võ Lâm Truyền Kỳ", "Thiên Long Bát Bộ" hay "Audition", là những cỗ máy làm ra tiền của VinaGame, FPT Online và VTC. 

Một mình một chợ


Nhưng cũng vì thế mà ngày càng có nhiều quan ngại học sinh bỏ bê việc học để chơi game. Ảnh: P.K
Cộng đồng game thủ tại VN đông đến mức... đáng nói: 12 triệu người. Số liệu khảo sát của VINASA trên 1.250 game thủ cho thấy, phần lớn trong số này là học sinh, sinh viên và nhân viên văn phòng, chứ không phải những người thất nghiệp hay hưu trí. Chính vì vậy mà lâu nay, dư luận xã hội luôn lo lắng: Sa đà vào chơi game học sinh bỏ bê chuyện học hành, nhân viên văn phòng "ăn cắp" thời gian và tài nguyên của cơ quan, đơn vị...

Song trong bài viết này, khía cạnh chúng tôi muốn nhấn mạnh chính là: Game ngoại đang ngày lại ngày lấy tiền Việt nhiều hơn nhưng các nhà phát hành, hiệp hội DN phần mềm, game thủ... vẫn không thể làm khác. Thậm chí, những động thái hiện tại của các nhóm đối tượng trên vô hình trung lại thúc đẩy việc trả tiền cho các nhà phát triển game nước ngoài nhiều hơn khi luôn đòi hỏi thị trường, chính sách rộng mở cho việc kinh doanh game và chơi game, nhưng chỉ có game ngoại "một mình một chợ".

Năm 2008, doanh số của toàn ngành nội dung số tại VN đạt 180 triệu USD, trong đó game chiếm tỉ trọng đến 75%, đạt 130 triệu USD. Hai thị trường lớn nhất của ngành game tại VN là Hà Nội và TPHCM. Và cũng tại hai nơi này, các hoạt động quảng bá, tuyên truyền về game, ra mắt game mới diễn ra sôi động hơn cả.

VINASA nhận định: "Doanh thu từ ngành game bị chia sẻ với tỉ lệ phần trăm cao cho nhà phát triển game nước ngoài". Phương thức mua-bán tuỳ từng nhà phát hành đối với từng game. Có thể là mua quyền khai thác trong một khoảng thời gian và trả phí một gói, cũng có thể là ăn chia theo tỉ lệ.

VinaGame là Cty game có doanh số lớn nhất hiện nay tại VN (năm 2008 hơn 700 tỉ đồng). Tất nhiên, hầu hết khoản doanh thu hơn 2.300 tỉ đồng trong năm 2008 của các Cty game đều lấy từ túi các game thủ. Những người chi ít thì từ 70-160 ngàn đồng/tháng; những người chơi nhiều thì chi từ 160-300 ngàn đồng/tháng. Giá trị thị trường game VN năm 2009 được cho rằng cũng trên dưới 2.000 tỉ đồng.

Song, đến thời điểm này, dù cho rằng tỉ lệ phần trăm chia cho nhà phát triển game nước ngoài cao nhưng VINASA cũng như các DN chưa tiết lộ tổng số tiền từ VN chảy ra nước ngoài thông qua con đường trả phí khai thác, phát hành là bao nhiêu. Nhưng có thể thấy, dòng tiền chảy ra chủ yếu tới các Cty của Hàn Quốc và Trung Quốc.

Đây là hai quốc gia có ngành công nghiệp game phát triển hàng đầu Châu Á, vì thế đã thu được những khoản tiền khá lớn từ các nước khác "đóng góp". Giá trị thị trường game Hàn Quốc năm 2008 là 4,6 tỉ USD. Còn Trung Quốc, giá trị thị trường game năm 2009 này là 3 tỉ USD.

* CTY GAME VN ĐẦU TIÊN CÓ DOANH THU TẠI HÀN QUỐC. Tin  từ VTC Game, từ ngày 27.11, game Linh Vương do đơn vị này phát hành chính thức được thương mại hoá tại Hàn Quốc. Trong khi rất nhiều game ngoại tràn vào VN và xơi tiền Việt, thì trường hợp Linh Vương được thương mại hoá thu tiền game thủ Hàn Quốc là một điểm khác biệt đáng lưu ý. Tuy nhiên, game Linh Vương lại do một Cty Trung Quốc (Cty Thiên Cực Phong) phát triển, du nhập vào VN thông qua VTC Game. Tại Hàn Quốc, trước thời điểm thương mại hoá, game Linh Vương có khoảng 50.000 tài khoản đăng ký.
* 14% DÂN SỐ VN CHƠI GAME. Theo VINASA, VN hiện có khoảng 12 triệu game thủ. Trong khi đó, thống kê dân số VN đến thời điểm 1.4.2009 gần 86 triệu người. Tính ra, tỉ lệ người chơi game ở VN chiếm tới 14% dân số cả nước. Tỉ lệ này đặc biệt cao ở hai khu vực TPHCM, Hà Nội và một số thành phố. Vấn đề đáng nói là, 12 triệu người bỏ tiền chơi game nhưng ngành game tại VN mới chỉ giải quyết việc làm cho vài ngàn lao động, chủ yếu làm việc trong các Cty phát hành game (bán sản phẩm và dịch vụ). Nhiều nhất là tại VinaGame, FPT Online, VTC.
* HƠN 50% NGƯỜI DÙNG INTERNET TẠI VN ĐỂ CHƠI GAME. Theo thống kê của Trung tâm Internet VN, tính đến hết tháng 10 VN có hơn 22 triệu người sử dụng Internet, thế nhưng VN lại có đến 12 triệu game thủ. Tỉ lệ này phù hợp với khảo sát trước đây của hãng nghiên cứu thị trường AC Nielsen (Mỹ) chi nhánh tại VN: VN có 53% số người sử dụng Internet để chơi game, chat; 30% đọc báo, tìm thông tin; số còn lại dùng cho công việc và mục đích khác...P.K ghi
Thẩm Hồng Thụy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

» Cám ơn bạn đã ghé TiemNet.tk.
» Bạn có ý kiến thắc mắc hay bình luận gì về bài viết vui lòng viết nhận xét.
» Sử dụng Bộ Gõ Tiếng Việt Online này nếu máy chưa có sẵn bộ gõ.
» Bấm vào nút "Đăng ký qua email" bên dưới để theo dõi bài này

Related Posts with Thumbnails