Thứ Năm, 5 tháng 11, 2009

Tại sao ông Thaksin được mời làm cố vấn cho Campuchia?



 Tại sao ông Thaksin được mời làm cố vấn cho Campuchia?




TT - Việc Chính phủ hoàng gia Campuchia mời cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra làm cố vấn là một sự kiện gồm nhiều lớp phủ.
Trước hết, ông Thaksin đang bị Tòa án vương quốc Thái Lan tuyên án tù vắng mặt. Phía Thái Lan cho biết không phản đối gì việc Chính phủ Campuchia mời ông Thaksin làm cố vấn, song một khi ông sinh sống ở Campuchia thì Thái Lan sẽ yêu cầu dẫn độ ông về nước thụ án. Phía Campuchia cho biết sẽ không dẫn độ. Xung đột này có thể dẫn đến mâu thuẫn lớn hơn nữa sau vụ xung đột sẵn có ở khu đền Preah Vihear. Và đây chính là nguy cơ đáng ngại nhất.

Triệu hồi đại sứ
Ngày 5-11, chỉ vài giờ sau khi thư ký ngoại trưởng Thái Lan thông báo triệu hồi đại sứ Thái Lan tại Campuchia về nước để thể hiện “sự không bằng lòng” về lời mời dành cho ông Thaksin thì Phó thủ tướng Campuchia Sok An cũng triệu hồi đại sứ nước này tại Thái Lan về nước. Tờ The Nation cho biết ông Thaksin đã từ chối lời mời của Campuchia vì “thích làm việc cho người Thái Lan hơn”.
Song Chính phủ Campuchia đã có những chọn lựa khi tính toán mời ông Thaksin làm cố vấn cho mình. Đơn giản là Chính phủ Thái Lan dưới trào ông Thaksin đã không căng thẳng lắm với Chính phủ Campuchia về vấn đề ngôi đền này. Chính phủ kế tiếp của thủ tướng Samak cũng thế.
Ngày 18-6-2008, Phó thủ tướng Campuchia Sok An và Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Noppadom Pattama đã cùng ký thông cáo chung về việc đăng ký ngôi đền Preah Vihear là di sản văn hóa thế giới. Hai bên cùng thỏa thuận Campuchia đứng ra đăng ký di sản Preah Vihear và tạm có một vùng đệm ở phía nam và phía đông; khu vực phía bắc và phía tây tính sau.
Việc đăng ký di sản văn hóa thế giới, như tên gọi của nó, là một việc thuộc phạm trù văn hóa, trong khi vấn đề biên giới khu vực này là một việc khác sẽ do Ủy ban biên giới trên bộ hỗn hợp đảm trách như điều 5 của thông cáo chung nêu rõ.
Thế nhưng, những xung đột nội bộ trong chính trường Thái Lan ngay sau đó giữa phe áo vàng với chính phủ ông Samak đã dẫn đến việc ngoại trưởng Pattama phải từ chức vì bị quy chụp là “bán đất”, Tòa án hiến pháp Thái Lan tuyên cáo “thông cáo chung” này là vi hiến.
Chính phủ Samak sau đó cũng đổ vì bị xem là chính phủ “nối dài” của chính phủ Thaksin, và chính phủ của Liên minh Dân chủ (áo vàng) lên thay. Chung quy cũng vì chuyện “chính chị, chính em” mà bang giao hai nước nổi sóng. Nay Chính phủ Campuchia có mời ông Thaksin làm cố vấn thì cũng trong phạm trù “chính chị, chính em” hiểu theo nghĩa kẻ thù của đối thủ của ta là đồng minh của ta.
Trên một bình diện khác, những diễn biến sau cùng này về bản thông cáo chung cho thấy đây là một tiền lệ không ổn cho những hành động vì mục đích “chính chị, chính em” mà tự ý xóa bỏ những hiệp định đã ký kết giữa các chính phủ.
Trong góc nhìn địa - chính trị, có lẽ cũng cần cân nhắc đâu là hiểm họa lớn hơn bội phần so với chút đôi co không cần thiết về vụ ngôi đền Preah Vihear mà lẽ ra đã không xảy ra nếu không có những chuyện “chính chị, chính em” trong nội bộ Thái Lan. Hơn bao giờ hết, ổn định, hòa bình và thịnh vượng của Đông Nam Á cần những cái đầu tỉnh táo không để cho những chuyện “chính chị, chính em” nội bộ khuynh đảo.

DANH ĐỨC
Theo http://www.tuoitre.com.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

» Cám ơn bạn đã ghé TiemNet.tk.
» Bạn có ý kiến thắc mắc hay bình luận gì về bài viết vui lòng viết nhận xét.
» Sử dụng Bộ Gõ Tiếng Việt Online này nếu máy chưa có sẵn bộ gõ.
» Bấm vào nút "Đăng ký qua email" bên dưới để theo dõi bài này

Related Posts with Thumbnails