Thứ Tư, 4 tháng 11, 2009

Mặt trận miền Đông (Nội chiến Hoa Kỳ)

 Mặt trận miền Đông (Nội chiến Hoa Kỳ)

 

 Chu y : chon xem tu part 1 tro len !

 

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Bước tới: menu, tìm kiếm
Chỉ huy quân Liên bang miền Bắc
Chỉ huy quân Liên minh miền Nam
Nội chiến Hoa Kỳ diễn ra trong nhiều nơi trong hai vùng chiến lược chính, Mặt trận miền Đông và Mặt trận miền Tây. Ngoài ra còn có mặt trận vùng sông Mississippi, Thái Bình Dương và bờ biển Đông-Nam Hoa Kỳ.
Mặt trận miền Đông bao gồm các chiến cuộc tại các tiểu bang Virginia, West Virginia, Maryland, Pennsylvania, vùng Washington, D.C., và các hải cảng, căn cứ quân sự vùng biển thuộc North Carolina (Những trận đánh bên trong đất liền của North-South Carolina năm 1865 được liệt vào Mặt trận miền Tây).
Những trận đánh ở Mặt trận miền Đông nổi tiếng và có nhiều ảnh hưởng hơn miền Tây, nếu không chỉ về chiến lược thì còn vì địa thế. Chiến cuộc diễn ra gần các khu vực đông dân. Nhiều cuộc công phá nổ ra gần sát thủ phủ Washington, D.C. của chính phủ Liên bang miền BắcRichmond của Liên minh miền Nam. Báo chí cũng đăng phóng sự về Mặt trận miền Đông nhiều hơn miền Tây. Đọc giả say mê theo dõi các cuộc đấu trí chiến thuật gay go giữa các tướng chỉ huy Quân đoàn Potomac của miền Bắc và Quân đoàn Bắc Virginia của miền Nam do tướng trứ danh Robert E. Lee điều động. Hai trận đánh tàn khốc và đẫm nhất của cuộc chiến cũng xảy ra trên Mặt trận miền Đông: Trận Antietam với số tử vong trong một ngày cao nhất, và Trận Gettysburg với số tử vong cao nhất trong một trận.
Tuy Mặt trận miền Tây có tầm quan trọng về chiến lược, cuộc Nội chiến Hoa Kỳ chỉ có thể chấm dứt bằng trận quyết định ở Mặt trận miền Đông: Trận Appomattox năm 1865.
Chiến trường miền Đông nằm giữa dãy núi AppalachianĐại Tây Dương. Phần lớn các trận đánh xảy ra trong 100 dặm giữa Washington và Richmond. Đây là khu vực chiến đấu có lợi thế cho quân miền Nam vì có nhiều sông rạch chảy theo hướng đông sang tây, gây trở ngại di chuyển và liên lạc của quân miền Bắc.

Mục lục

[ẩn]

[sửa] Đầu năm 1861

Sau sự kiện đồn Sumter thất thủ tháng 4 năm 1861, cả hai miền nam bắc cùng đua nhau tăng cường xây dựng quân đội. Tổng thống Abraham Lincoln đưa ra lời kêu gọi 75,000 quân tình nguyện để đàn áp cuộc nổi loạn, và ngay sau đó dẫn đến sự ly khai của thêm 4 tiểu bang nữa, trong đó có Virginia. Lục quân Hoa Kỳ lúc này chỉ có khoảng 16,000 người, với hơn một nửa trong số đó phân tán tại miền Tây. Quân đội lúc này được đặt dưới sự toàn quyền chỉ huy của vị trung tướng già Winfield Scott, người cựu binh của cuộc chiến tranh 1812chiến tranh Hoa Kỳ-México. Bên phe Liên minh miền Nam, chỉ một số ít các quan chức và binh lính Liên bang từ chức và gia nhập Liên minh; sự hình thành quân đội Liên minh miền Nam ban đầu là vấn đề được thực hiện bởi từng bang riêng rẽ. Tình trạng phân hoá của lực lượng phòng thủ miền Nam đã làm dấy lên sự ngờ vực về một chính quyền trung ương vững mạnh giữa các tiểu bang, và là một trong những bất lợi của miền Nam trong suốt cuộc chiến.
Một vài hành động quân sự đầu tiên diễn ra tại tây Virginia (giờ là bang West Virginia). Thiếu tướng George B. McClellan, người điều hành Cục Ohio, đã ra lệnh cho quân đội tiến đến Grafton và tấn công quân miền Nam dưới quyền chỉ huy của đại tá George A. Porterfield. Cuộc đụng độ diễn ra ngày 3 tháng 6 năm 1861, gọi là trận Philippi Races, ít có ý nghĩa nào khác hơn ngoài việc giúp người ta bắt đầu biết đến tiếng tăm của vị tướng trẻ này. Chiến thắng trong trận Rich Mountain vào tháng 7 đã giúp ông được đề bạt lên bắt đầu làm chỉ huy binh đoàn Potomac. Sau khi chiến dịch tiếp diễn theo một loạt các trận đánh nhỏ, Đại tướng Robert E. Lee, trái với danh tiếng lẫy lừng của mình là một cựu sĩ quan quân đội Hoa Kỳ, lại không có kinh nghiệm chỉ huy tác chiến và phong cách làm việc lờ đờ khiến cho ông bị gán một biệt hiệu khinh miệt "Ông nội Lee", đã được phái ngay tới Carolinas để tiến hành xây dựng lực lượng.
Trận đánh có ý nghĩa quan trọng đầu tiên của cuộc chiến diễn ra ở miền đông Virginia ngày 10 tháng 6. Thiếu tướng miền Bắc Benjamin Franklin Butler, đóng quân tại đồn Monroe, đã tập hợp các lực lượng từ HamptonNewport News để tiến công các tiền đồn biên phòng của miền Nam. Trong trận Big Bethel, gần đồn Monroe, đại tá John B. Magruder đã giành được chiến thắng đầu tiên cho phe miền Nam.

[sửa] Trận Bull Run thứ nhất

Đầu mùa hè năm 1961, chuẩn tướng Irvin McDowell lên làm chỉ huy các lực lượng miền Bắc ở xung quanh Washington, một sĩ quan thiếu kinh nghiệm chiến đấu, dẫn đầu một lực lượng lính tình nguyện cũng chưa quen tác chiến ngoài thực địa— nhiều người trong số họ mới nhập ngũ được 90 ngày. McDowell chịu áp lực từ giới chính trị gia và báo chí miền Bắc đòi hỏi phải hành động ngay lập tức, hô hào ông "Tiến đến Richmond!". Kế hoạch của ông ta là tiến quân với 35,000 người và tấn công 20,000 quân miền Nam dưới quyền chỉ huy của chuẩn tướng P.G.T. Beauregard tại Manassas. Lực lượng chính thứ 2 của miền Nam trong khu vực với 12,000 người do tướng Joseph E. Johnston chỉ huy đóng tại thung lũng Shenandoah, bị cầm chân tại chỗ bởi thiếu tướng Robert Patterson với 18,000 người đang đe doạ Harpers Ferry, chia cắt 2 quân đoàn miền Nam không để họ phối hợp chống lại McDowell.
Ngày 21 tháng 7, binh đoàn đông bắc Virginia của McDowell tiến hành một cuộc hành quân đổi hướng phức tạp chống lại binh đoàn Potomac miền Nam của tướng Beauregard, mở màn trận Bull Run thứ nhất (miền Nam gọi là trận Manassas thứ nhất). Mặc dù lúc đầu quân miền Bắc chiếm được lợi thế và đẩy lui quân miền Nam, tình hình chiến cuộc đã đảo ngược vào chiều hôm đó. Đại tá Thomas J. Jackson động viên lữ đoàn Virginia của mình trụ vững trước cuộc tấn công mạnh mẽ của quân miền Bắc, và được đặt cho biệt danh nổi tiếng "Stonewall" Jackson. Quân tiếp viện của Johnston đã đến rất kịp thời bằng đường xe lửa; Patterson đã không thể làm gì để giữ vững các vị trí đã chiếm được. Quân đội miền Bắc thiếu kinh nghiệm chiến đấu bắt đầu rút lui, và trở thành một cuộc tháo chạy kinh hoàng, với nhiều cuộc chạy đua về đến tận gần sát Washington. Những người theo dõi, cả thường dân và chính trị gia, vài người trong số họ xem cuộc chiến như một sự dạo chơi tiêu khiển, đã bắt đầu đâm ra hoảng sợ. Quân đội miền Bắc rút an toàn về Washington; do quân đoàn của Beauregard quá mệt mỏi và thiếu kinh nghiệm để có thể tiến hành truy kích. Thất bại trong trận Bull Run thứ nhất làm chấn động miền Bắc, và một ý thức mới về quyết tâm không thể lay chuyển lan khắp nước Mỹ khi cả quân đội và nhân dân đều nhận ra rằng họ sẽ cần phải hy sinh nhiều tiền của và nhân lực để giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh lâu dài và đẫm máu.
George B. McClellan được triệu về miền đông trong tháng 8 để chỉ huy binh đoàn Potomac mới được thành lập và trở thành quân đoàn chủ lực ở Mặt trận miền Đông. Là một cựu giám đốc điều hành đường sắt, ông sở hữu một kỹ năng tổ chức nổi trội rất phù hợp với nhiệm vụ đào tạo và quản lý. Ông còn là người có rất nhiều tham vọng, và đến ngày 1 tháng 11, ông hoạt động quanh Winfield Scott và được coi là tổng chỉ huy của toàn bộ quân đội Liên bang, bất chấp thất bại đầy lúng túng của cuộc viễn chinh ông đã tiến hành trên sông Potomac trong trận Balls Bluff vào tháng 10.

[sửa] Bờ biển Bắc Carolina (1861–65)

Bắc Carolina là một khu vực quan trọng của miền Nam vì ở đây có cảng biển mang tính sống còn Wilmington và quần đảo Outer Banks là căn cứ quan trọng đối với các tàu thuyền trong việc chống lại cuộc phong toả của miền Bắc. Tháng 8 năm 1861, Benjamin Butler đã nhổ neo từ đồn Monroe và giành được chiến thắng tại vịnh Hatteras. Tháng 2 năm 1862, chuẩn tướng Ambrose Burnside đã tổ chức một cuộc đổ bộ khác, cũng khởi hành từ đồn Monroe, và chiếm được đảo Roanoke, một chiến thắng ít được biết đến nhưng lại có giá trị quan trọng về chiến lược của miền Bắc. Trong cuộc viễn chinh Goldsboro cuối năm 1862, quân miền Bắc đã tiến công chớp nhoáng vào vùng nội địa bên trong bãi biển và phá huỷ được các cây cầu và đường xe lửa của miền Nam.
Diễn biến tiếp theo của chiến sự tại bờ biển Bắc Carolina bắt đầu cuối năm 1864, với các cố gắng bị thất bại của Benjamin Butler và David D. Porter trong việc chiếm đồn Fisher, cứ điểm bảo vệ cảng biển Wilmington. Các lực lượng miền Bắc trong trận đồn Fisher thứ hai, do các tướng Alfred H. Terry, Adelbert Ames, và Porter dẫn đầu, vào tháng 1 năm 1865, đã thành công khi đánh bại tướng Braxton Bragg, và Wilmington thất thủ trong tháng 2. Trong giai đoạn này, quân đội thuộc Mặt trận miền Tây của thiếu tướng William T. Sherman đã tiến sâu vào nội địa vùng Carolinas, và tại đây họ đã bức hàng được lực lượng đáng kể cuối cùng của miền Nam do tướng Joseph E. Johnston chỉ huy vào cuối tháng 4 năm 1865.

[sửa] Chiến dịch Thung lũng 1862



Chiến dịch Thung lũng: từ Kernstown đến McDowell.


Chiến dịch Thung lũng: từ Front Royal đến Port Republic.
Đến mùa xuân năm 1862, sự hồ hởi của miền Nam sau trận Bull Run thứ nhất đã suy sụp nhanh chóng, với những thành công bước đầu của quân miền Bắc tại Mặt trận miền Tây, như ở đồn DonelsonShiloh. Lực lượng hùng hậu của binh đoàn Potomac dưới trướng George B. McClellan đang tiến đến Richmond từ phía đông nam trong chiến dịch Bán đảo, quân đoàn to lớn của thiếu tướng Irvin McDowell đã sẵn sàng tấn công Richmond từ hướng bắc, và quân đội dưới quyền thiếu tướng Nathaniel P. Banks đang đe doạ khu vực nông nghiệp trù phú ở vùng Thung lũng Shenandoah.
Vị cứu tinh của tinh thần quân miền Nam là một cựu giáo sư lập dị của Học viện quân sự Virginia, Stonewall Jackson, biệt danh ông có được sau trận Bull Run thứ nhất. Quân đội của ông bao gồm lữ đoàn Stonewall và nhiều đơn vị dân quân không đủ lớn mạnh để tiến hành các hoạt động tấn công. Trong khi Banks còn ở trên bờ bắc sông Potomac, chỉ huy kỵ binh của Jackson, đại tá Turner Ashby, đã bất ngờ tập kích vào kênh đào Chesapeake và Ohiođường sắt Baltimore và Ohio.
Banks phản ứng lại bằng cách vượt sông Potomac vào cuối tháng 2 và tiến xuống phía nam để bảo vệ kênh đào và các đường xe lửa khỏi Ashby. Nhiệm vụ dành cho Jackson là hoạt động như cánh trái trong quân đội của Joseph E. Johnston, và khi Johnston rời Manassas đến Culpeper trong tháng 3, Jackson rơi vào tình trạng bị cô lập ở Winchester. Ngày 12 tháng 3, Banks tiếp tục cuộc tiến quân về phía tây nam ("lên vùng Thung lũng") và chiếm Winchester. Jackson rút lui về Strasburg. Mệnh lệnh được giao cho Banks, một phần trong chiến lược tổng thể của McClellan, là tiến sâu hơn nữa về phía nam và đuổi Jackson ra khỏi Thung lũng. Sau khi hoàn tất mục tiêu này, ông ta sẽ rút quân về khu vực lân cận Washington. Một lực lượng tiến công hùng hậu đã khởi hành từ Winchester xuống phía nam ngày 17 tháng 3, và cùng thời gian đó McClellan cũng bắt đầu cuộc đổ bộ vào Bán đảo Virginia.
Jackson nhận được chỉ thị của Johnston là phải tránh giao chiến nói chung vì ông ta đang bị áp đảo nghiêm trọng về quân số, nhưng đồng thời lại phải cầm chân cuộc chiếm đóng của Banks đủ lâu để ngăn chặn ông ta chia quân đi tiếp ứng cho McClellan ở vùng Bán đảo. Nhận được tin tình báo không chính xác, Banks cho rằng Jackson đã rời khỏi vùng Thung lũng, và ông ta tiếp tục di chuyễn về phía đông, trở lại vùng lân cận Washington. Jackson hoang mang trước cuộc hành quân này vì Banks đang thực hiện chính xác những gì mà Jackson được lệnh phải ngăn chặn.
Trong trận Kernstown thứ nhất (23 tháng 3, 1862), quân miền Bắc đã chặn đứng cuộc tấn công của Jackson và sau đó phản công vào sườn trái buộc ông phải rút chạy, đây là trận thua duy nhất của ông trong toàn chiến dịch. Mặc dù thất bại chiến thuật thuộc về Jackson, đây lại là một thắng lợi về chiến lược đối với quân miền Nam, vì đã buộc Tổng thống Lincoln phải để lực lượng của Banks ở lại trong Thung lũng và 30,000 quân của McDowell gần Fredericksburg, loại khoảng 50,000 quân ra khỏi lực lượng xâm chiếm Bán đảo của McClellan.
Jackson, giờ đã được tăng viện lên 17,000 người, quyết định tấn công lần lượt các lực lượng quân miền Bắc riêng rẽ trước khi họ kết hợp lại và áp đảo ông. Trong khi đang di chuyển theo một tuyến hành quân quanh co để che dấu ý đồ của mình, ông đã bị tấn công trong trận McDowell ngày 8 tháng 5 nhưng đã đẩy lui được quân địch sau một trận chiến đấu dữ dội. Trước đó Banks đã điều 1 sư đoàn đến tiếp viện cho Irvin McDowell tại Fredericksburg, nên giờ chỉ còn lại 8,000 quân, và phải rút về một vị trí kiên cố ở Strasburg, Virginia.
Ngày 21 tháng 5, Jackson ra lệnh tiến quân về phía đông từ New Market và sau đó tiếp tục bắc tiến. Tốc độ hành quân của họ đã trở thành biểu tượng của chiến dịch và được đặt biệt hiệu "kỵ binh chân không của Jackson". Ông đã điều lực lượng kỵ binh của mình lên thẳng hướng bắc để khiến Banks nghĩ rằng mình sẽ tấn công Strasburg, nhưng thật ra kế hoạch của ông là đánh chiếm tiền đồn nhỏ bé ở Front Royal và nhanh chóng cắt đứt tuyến liên lạc của Banks tại Harpers Ferry.
Ngày 23 tháng 5, trong trận Front Royal, quân của Jackson đã bất thình lình nghiền nát lực lượng đồn trú 1,000 người của miền Bắc. Chiến thắng của Jackson buộc Banks tại Strasburg phải cấp tốc rút lui về phía Winchester. Dù Jackson cố gắng truy kích, nhưng do quân của ông đã kiệt sức và mải cướp phá các đoàn tàu tiếp tế của miền Bắc, nên đã làm chậm bước họ đi rất nhiều. Ngày 25 tháng 5, trong trận Winchester thứ nhất, quân của Banks đã bị các đội hình tập trung của quân miền Nam tấn công và bị đánh bại hoàn toàn. Họ vượt qua sông Potomac rút chạy về phía bắc. Jackson lại cố gắng truy kích nhưng một lần nữa không thành công.
Tại Washington, Tổng thống Lincoln và Bộ trưởng chiến tranh Edwin M. Stanton quyết định rằng đánh bại Jackson là ưu tiên trước mắt (mặc dù nhiệm vụ của Jackson chỉ là giữ chân các lực lượng chiếm đóng miền Bắc không để họ tiến ra Richmond). Họ ra lệnh cho Irvin McDowell điều 20,000 quân đến Front Royal và phái Frémont tiến quân về Harrisonburg. Nếu cả 2 lực lượng này có thể tập trung tại Strasburg, lối thoát duy nhất của Jackson ra khỏi Thung lũng sẽ bị cắt đứt. Hậu quả tức thời của cuộc hành quân này là cuộc tấn công phối hợp của McDowell với McClellan tại Richmond bị huỷ bỏ.
Ngày 2 tháng 6, 2 đạo quân miền Bắc tiến hành truy đuổi Jackson. Quân đội của ông đã giữ vững vị trí phòng thủ tại Cross KeysPort Republic, tại đó ông lần lượt đánh bại được Frémont và Shields, trong các ngày 8 và 9 tháng 6.
Quân đội miền Bắc đã rút khỏi Thung lũng. Jackson quay về hội quân với Robert E. Lee tại vùng Bán đảo để đánh trận Bảy ngày (tại đây ông đã có một thể hiện khá mờ nhạt, có thể là do những căng thẳng sau chiến dịch Thung lũng). Ông đã hoàn thành nhiệm vụ của mình là cầm chân hơn 50,000 quân cần thiết cho McClellan. Với thắng lợi trong chiến dịch Thung lũng, Stonewall Jackson trở thành chiến binh lừng danh nhất tại miền Nam (cho đến khi bị lấn át bởi Lee) và trở thành biểu tượng tinh thần của công chúng. Trong một chiến dịch quân sự kinh điển đầy tính bất ngờ và cơ động, ông đã đưa quân đội của mình vượt qua 1,040 km trong 48 ngày tiến quân và giành được 5 chiến thắng đáng kể với lực lượng chỉ khoảng 17,000 người chống lại đối phương tổng cộng tới 60,000 quân.

[sửa] Chiến dịch Bán đảo (1862)

George B. McClellan đã dành cả mùa đông năm 1861-1862 để huấn luyện Binh đoàn Potomac mới của mình và khước từ lời kêu gọi từ tổng thống Lincoln về việc tiến quân đánh miền Nam cho đến mùa xuân 1862, lúc này Lincoln đang đặc biệt quan tâm đến đội quân của Đại tướng Joseph E. Johnston đóng tại Centreville, chỉ cách Washington 50 km. McClellan đã đánh giá quá cao thực lực của Johnston và chuyển mục tiêu của mình từ lực lượng này sang thủ đô Richmond của miền Nam. Ông đề nghị hành quân bằng đường thủy đến Urbanna trên sông Rappahannock và sau đó sẽ đổ bộ lên Richmond trước khi Johnston có thể hành quân chặn ông ta. Mặc dù Lincoln ủng hộ cách tiến công bằng đường bộ vì như vậy sẽ giúp Washington tránh được bất kỳ cuộc tấn công nào trong khi chiến dịch đang tiến hành, nhưng McClellan lập luận rằng điều kiện đường xá tại Virginia sẽ không đảm bảo, rằng ông ta đã bố phòng đầy đủ cho thủ đô, và rằng Johnston chắc chắn sẽ đuổi theo ông ta, nếu ông tiến thẳng về Richmond. Kế hoạch đã được bàn cãi trong vòng 3 tháng ở thủ đô cho đến khi Lincoln chấp thuận đề xuất của McClellan vào đầu tháng 3. Thế nhưng, đến ngày 9 tháng 3, Johnston đã rút quân đội của mình từ Centreville về Culpeper, làm cho kế hoạch Urbanna của McClellan trở nên bất khả thi. Sau đó McClellan đề nghị quân đội sẽ giong buồm đến đồn Monroe rồi đổ bộ lên bán đảo Virginia (dải đất hẹp giữa sông Jamessông York) để tới Richmond. Lincoln miễn cưỡng đồng ý.
Trước khi khởi hành tới vùng Bán đảo, McClellan điều Binh đoàn Potomac đến Centreville tiến hành một cuộc hành quân thử nghiệm. Qua đó ông đã nhận ra sự yếu kém của lực lượng của Johnston và vị trí đóng quân hiện tại của họ, và rồi phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt. Ngày 11 tháng 3, Lincoln bãi nhiệm McClellan khỏi vị trí tổng chỉ huy quân đội miền Bắc để ông có thể tập trung quan tâm vào chiến dịch khó khăn trước mắt của mình. Đích thân Lincoln, với sự hỗ trợ của Bộ trưởng Chiến tranh Stanton và một Hội đồng Chiến tranh, đã tiếp nhận chỉ huy quân đội trong vòng 4 tháng tiếp theo. Binh đoàn Potomac bắt đầu lên tàu tới đồn Monroe ngày 17 tháng 3. Cuộc khởi hành diễn ra trong một bầu không khí lo lắng, bởi vì lúc đó vừa xảy ra cuộc giao chiến tàu bọc sắt đầu tiên vào ngày 8 và 9 tháng 3 giữa tàu CSS Virginia và tàu USS Monitor, kết thúc không phân thắng bại trong trận Hampton Roads. Mọi người lo ngại rằng các tàu vận tải sẽ bị tấn công trực tiếp bằng vũ khí mới này trên đường đi. Hải quân Hoa Kỳ đã không thể đảm bảo cho McClellan rằng họ có thể bảo vệ chiến dịch cho đến khi tới được sông James hoặc sông York, do đó, ông đã từ bỏ ý nghĩ về cuộc đổ bộ bao vây Yorktown, và ra lệnh cuộc tiến công lên Bán đảo sẽ bắt đầu ngày 4 tháng 4. Ngày 5 tháng 4, McClellan đã được thông báo là Lincoln đã bị hủy bỏ việc điều quân đoàn của Thiếu tướng Irvin McDowell đến đồn Monroe, do McClellan đã không thể để lại đủ số quân trước đây đã thoả thuận tại Washington, và vì Chiến dịch Thung lũng của Jackson đang gây ra nhiều lo ngại. McClellan kháng nghị kịch liệt rằng ông đã bị buộc phải tiến hành một chiến dịch lớn mà không có đủ lực lượng đã được hứa hẹn, nhưng rốt cục ông vẫn phải lên đường hành quân.

[sửa] Tiến lên Bán đảo



Chiến dịch Bán đảo, bản đồ các sự kiện cho đến trận Seven Pines.
Quân đội miền Bắc tiến về Yorktown, và sau một thời gian dài trì hoãn để xây dựng kế hoạch bao vây, McClellan đã đánh bại quân miền Nam ở lần chạm trán trong trận Yorktown. Trong thời gian chiến dịch, quân miền Bắc còn chiếm đóng Hampton RoadsNorfolk. Trong lúc các lực lượng miền Bắc đuổi theo quân miền Nam đang rút lui trên Bán đảo theo hướng tây bắc về phía Richmond, đã diễn ra trận Williamsburg không phân thắng bại ở trong và lân cận đồn Magruder, cách thủ đô thuộc địa cũ 1.5 km về phía đông.
Cho đến cuối tháng 5, các lực lượng miền Bắc đã tiến được sâu nhiều dặm về phía Richmond, nhưng tốc độ rất chậm. McClellan đã lên kế hoạch cho một cuộc bao vây khổng lồ và mang theo rất nhiều kho tiếp tế đồ sộ. Thời tiết xấu cộng với hệ thống đường xá tồi tệ đã khiến cho cuộc tiến công chậm như rùa bò. Đồng thời, McClellan lại là một người có bản tính nói chung quá cẩn trọng. Ông ta e ngại khi tấn công một đội quân mà ông tin là mạnh gấp đôi mình. Trí tưởng tượng và các hoạt động tình báo đã khiến ông phạm sai lầm; vì trong thực tế,tương quan lực lượng gần như là ngược lại. Trong khi rút lui từ từ trên Bán đảo, quân đội của Đại tướng Joseph E. Johnston đã tiến hành nhiều hoạt động tung hỏa mù. Đặc biệt, sư đoàn của John B. Magruder, một diễn viên nghiệp dư trước chiến tranh, đã lừa được McClellan bằng cách diễu binh phô trương với một số ít đội quân nhiều lần qua cùng một vị trí như là một đội quân lớn mạnh.
Khi quân miền Bắc tiến về tuyến phòng thủ bên ngoài Richmond, họ bị chặn lại bởi sông Chickahominy, con sông đã làm giảm khả năng di chuyển cơ động của các đội quân dọc theo trận tuyến. Trận Seven Pines (còn gọi là trận Fair Oaks) đã diễn ra trong 2 ngày 31 tháng 5– 1 tháng 6 năm 1862, khi quân miền Nam tấn công một lực lượng yếu hơn của miền Bắc ở phía nam con sông. Trận đánh bế tắc về mặt chiến thuật, nhưng miền Nam có được 2 thành quả chiến lược. Thứ nhất, Johnston đã bị thương trong trận chiến và được thay thế bằng viên chỉ huy tài giỏi hơn: Đại tướng Robert E. Lee, người đã chỉ huy Binh đoàn Bắc Virginia đến nhiều thắng lợi trong chiến tranh. Thứ 2, tướng McClellan đã chọn cách đình chỉ các hoạt động tiến công nhằm phục vụ cuộc bao vây để đợi lực lượng tăng viện mà ông ta đang yêu cầu với Tổng thống Lincoln. Không bao giờ ông ta còn lấy lại được đà tiến công chiến lược trước đó.
Lee đã tận dụng khoảng thời gian nghỉ ngơi kéo dài 1 tháng để tiến hành củng cố hệ thống phòng ngự Richmond. Tại bờ nam sông James, nhiều phòng tuyến được xây dựng kéo dài về phía nam cho đến Petersburg. Chiều dài tổng cộng của tuyến phòng thủ mới này vào khoảng 50 km. Để có thêm thời gian hoàn thành phòng tuyến mới và chuẩn bị tấn công, Lee đã dùng lại chiến thuật khiến cho một số lượng nhỏ các đội quân thành ra có vẻ lớn mạnh hơn thực tế. McClellan còn khiếp đảm khi lực lượng kỵ binh liều mạng (nhưng mặt khác lại đơn độc về quân sự) của chuẩn tướng J.E.B. Stuart đã diễu trọn một vòng ngay cạnh quân đội miền Bắc (13 –15 tháng 6).

[sửa] Trận Bảy Ngày



Trận Bảy ngày, 26–27 tháng 6, 1862.


Trận Bảy ngày, 30 tháng 6, 1862.


Trận Bảy ngày, 1 tháng 7, 1862.
Tiếp theo là giai đoạn Lee chuyển sang tấn công, dẫn đến một loạt trận đánh kéo dài trong 7 ngày (25-6– 1-7) và đẩy lui được McClellan trở lại một vị trí an toàn nhưng không còn có tính đe dọa với miền Nam trên sông James.
Trận đánh lớn đầu tiên trong chuỗi Trận Bảy ngày là trận Beaver Dam Creek hay trận Mechanicsville, ngày 26 tháng 6. Lee quan sát thấy rằng McClellan đóng quân ở cả 2 bên bờ sông Chickahominy và có thể đánh bại từng phần một. Ông tấn công sườn phải của McClellan trên bờ bắc và bị đẩy lùi với tổn thất nặng nề. Mặc dù miền Bắc thắng lợi về chiến thuật, đây lại là điểm bắt đầu sự sụp đổ chiến lược của họ. McClellan đã rút về hướng đông nam.
Lee tiếp tục tấn công trong trận Gaines' Mill, ngày 27 tháng 6, mở màn cho cuộc tấn công lớn nhất trong chiến tranh của phe miền Nam. (Nó diễn ra hầu như cùng địa điểm với trận Cold Harbor năm 1864 và có con số thương vong tương tự). Cuộc tấn công này được phối hợp kém, và phòng tuyến của miền Bắc đã đứng vững gần một ngày, nhưng cuối cùng Lee đột phá thành công và McClellan lại phải rút lui về căn cứ vững chắc ở Harrison's Landing trên sông James.
Trận Glendale ngày 30 tháng 6 là một trận đánh đẫm máu tại đó 3 sư đoàn quân miền Nam cùng hợp lực đánh các lực lượng miền Bắc đang rút lui tại White Oak Swamp, gần Frayser's Farm, tên gọi của một trận đánh khác. Do thể hiện kém cỏi của Stonewall Jackson, quân đội của Lee đã thất bại trong cố gắng cuối cùng nhằm tiêu diệt quân đội miền Bắc trước khi họ tới được sông James.
Trận đánh cuối cùng trong chuỗi Trận Bảy ngày diễn ra ngày 1 tháng 7, là một cuộc tấn công thiếu thận trọng của miền Nam vào phòng tuyến vững vàng của quân miền Bắc—được trấn giữ bởi một cứ điểm pháo binh hùng hậu—tại Malvern Hill. Quân đội của Lee đã chịu tổn thất hơn 5,000 người cho mục tiêu này.
Trận Bảy ngày đã kết thúc chiến dịch Bán đảo. McClellan rút lui về khu vực an toàn trên sông James, được bảo vệ bằng hỏa lực của các chiến hạm miền Bắc. Binh đoàn Potomac đóng ở đây cho đến tháng 8, rồi rút đi theo lệnh của Tổng thống Lincoln để đánh trận Bull Run thứ hai. Mặc dù McClellan vẫn tiếp tục chỉ huy Binh đoàn Potomac, Lincoln đã thể hiện sự thất vọng của mình bằng cách chỉ định thiếu tướng Henry W. Halleck thay vị trí tổng chỉ huy quân đội toàn miền Bắc của McClellan ngày 11 tháng 7 năm 1862.
Cái giá mà cả 2 bên phải trả cho chiến dịch đều rất cao. Binh đoàn Bắc Virginia của Lee chịu tổn thất gần 20,000 trong tổng số hơn 90,000 quân tham gia Trận Bảy ngày, còn McClellan mất gần 16,000 trong tổng số 105,445 quân.
Sau khởi đầu thành công trên Bán đảo cho thấy khả năng về việc kết thúc sớm chiến tranh, tinh thần quân miền Bắc bị suy sụp cùng với sự rút lui của McClellan. Mặc dù chịu thiệt hại lớn cùng với sự thể hiện chiến thuật vụng về của Lee, nhuệ khí quân miền Nam tăng vọt, và Lee có được tự tin để tiếp tục chiến lược tiến công của mình trong các chiến dịch tại Bắc Virginia và Maryland.

[sửa] Bắc Virginia và Maryland (1862)

Sau khi chiến thắng McClellan trên vùng Bán đảo, Lee liên tiếp tiến hành 2 chiến dịch vẫn thường được xem là 1 hoạt động tấn công thống nhất: đánh bại nốt đạo quân lớn thứ hai còn lại đang đe dọa Richmond rồi bắc tiến lên xâm chiến Maryland.

[sửa] Binh đoàn Virginia



Chiến dịch Bắc Virginia, từ 7–28 tháng 8, 1862.
Sau thất bại của McClellan, Tổng thống Lincoln quyết định bổ nhiệm John Pope làm chỉ huy Binh đoàn Virginia mới thành lập. Pope đã đạt được nhiều thành công ở Mặt trận miền Tây, và Lincoln hy vọng tìm thấy ở ông ta một viên tướng tháo vát hơn McClellan. Binh đoàn Virginia bao gồm hơn 50,000 người chia làm 3 quân đoàn, sau này có thêm 3 quân đoàn của binh đoàn Potomac của McClellan cùng tham gia chiến đấu. Trong đó có 2 lữ đoàn kỵ binh lại được biên chế trực tiếp vào trong 2 quân đoàn bộ binh, điều này phản ánh một tình trạng chỉ huy thiếu tập trung mà sau này đã đem đến những kết quả tiêu cực trong chiến dịch.
Nhiệm vụ của Pope là phải hoàn thành 2 mục tiêu: bảo vệ Washington cùng Thung lũng Shenandoah, và thu hút các lực lượng miền Nam ra xa McClellan bằng cách di chuyển về phía Gordonsville. Pope khởi đầu bằng cách sai kỵ binh đi đánh phá các tuyến đường sắt liên hệ giữa Gordonsville, Charlottesville, và Lynchburg. Quân kỵ binh khởi hành muộn và khi đến nơi thì thấy Stonewall Jackson đã chiếm cứ Gordonsville với lực lượng hơn 14,000 người. Lee biết rằng McClellan không còn là mối đe dọa trên vùng Bán đảo nữa, cho nên không cần phải giữ tất cả lực lượng của mình tại tuyến phòng thủ Richmond, và ông đã điều Jackson đến Gordonsville trước để chặn Pope và bảo vệ tuyến đường sắt. Hiện tại Lee còn suy tính đến các kế hoạch lớn hơn. Lúc này quân miền Bắc bị chia rẽ làm hai phần rất tách biệt của McClellan và Pope, nên Lee cân nhắc về việc mở màn tiêu diệt Pope trước khi trở lại chăm sóc McClellan. Được tin rằng quân của Ambrose Burnside từ Bắc Carolina đã lên tàu đi tăng viện cho Pope, và muốn tiến hành ngay trước khi các đạo quân đó tới nơi, Lee phái trung tướng A.P. Hill với lực lượng 12,000 người đến hợp quân với Jackson, đồng thời vẫn tiếp tục tung hỏa mù đánh lừa McClellan nhằm giữ ông ta bất động tại chỗ.
Ngày 29 tháng 7, Pope đem một phần lực lượng tiến đến vị trí gần núi Cedar, từ đó ông có thể tiến hành đột kích Gordonsville. Jackson tiến quân vào Culpeper ngày 7 tháng 8, với hy vọng tấn công một trong các quân đoàn của Pope trước khi phần còn lại của đội quân này đến tập hợp. Ngày 9 tháng 8, quân đoàn của Nathaniel Banks đã tấn công Jackson tại núi Cedar, và chiếm được lợi thế ban đầu, nhưng sau đó một cuộc phản công của quân miền Nam do tướng A.P. Hill chỉ huy đã đẩy Banks ngược lại bên kía rạch Cedar. Đến lúc này Jackson mới biết rằng các quân đoàn của Pope đã tập hợp đầy đủ với nhau, thế là kế hoạch đánh bại riêng lẻ từng phần đối phương bị phá sản. Ông đóng quân tại chỗ cho đến ngày 12 tháng 8, rồi rút về Gordonsville.
Ngày 13 tháng 8, Lee phái trung tướng James Longstreet đến tiếp viện cho Jackson và ngày hôm sau điều đi toàn bộ lực lượng còn lại chỉ trừ 2 lữ đoàn, sau khi nhận được tin chắc chắn rằng McClellan đã rời vùng Bán đảo. Ngày 15 tháng 8, đích thân Lee cũng tới Gordonsville chỉ huy quân đội. Kế hoạch của ông là đánh bại Pope trước khi quân của McClellan kịp đến tiếp viện bằng cách phá các cây cầu phía sau Pope rồi tấn công vào sườn trái và sau lưng ông ta. Thế nhưng Pope đã kịp rút lui về tuyến sông Rappahannock, do ông ta đã biết trước kế hoạch của Lee qua một bản chỉ thị viết tay mà kỵ binh miền Bắc thu được trong một cuộc đột kích.
Sau một loạt các trận giao chiến trong các ngày từ 22 đến 25 tháng 8, quân đội của Pope dần tập trung dọc theo con sông. Đến ngày 25 tháng 8, 3 quân đoàn thuộc Binh đoàn Potomac đã tới từ vùng Bán đảo để tiếp ứng cho Pope. Kế hoạch mới của Lee trước toàn bộ lực lượng tăng cường của đối phương đang áp đảo ông là phái Jackson và Stuart với một nửa lực lượng đi tấn công vào sườn nhằm cắt đứt tuyến liên lạc Pope tại tuyến đường xe lửa Orange & Alexandria. Pope sẽ buộc phải rút lui và có thể bị đánh bại trong khi để lộ sơ hở lúc đang hành quân.
Tối ngày 26 tháng 8, sau khi vượt qua sườn phải của Pope, cánh quân của Jackson tấn công đường xe lửa tại ga Bristoe và trước khi bình minh ngày 27 tháng 8 đã đánh chiếm và phá hủy được các kho tiếp tế đồ sộ của miền Bắc tại ga đầu mối Manassas. Cuộc hành quân bất ngờ này đã buộc Pope phải vội vã rút lui khỏi phòng tuyến dọc sông Rappahannock. Trong đêm 27–28 tháng 8, Jackson thúc 2 sư đoàn của mình tiến lên phía bắc đến chiến trường cũ của trận Bull Run thứ nhất (Manassas), tại đó ông đóng quân sau một tuyến đường sắt dốc chưa hoàn thành. Cánh quân của Longstreet tiến qua Thoroughfare Gap hội quân với Jackson, hợp nhất lại 2 cánh quân của Lee.

[sửa] Trận Bull Run thứ hai

Để dẫn dụ quân đội của Pope giao chiến, Jackson đã ra lệnh tấn công vào một đội hình quân miền Bắc đang tiến qua trận tuyến của ông vào ngày 28 tháng 8, mở màn trận Bull Run thứ hai, trận đánh quyết định trong chiến dịch Bắc Virginia. Cuộc công kích kéo dài nhiều giờ và kết thúc không phân thắng bại. Pope trở nên tự tin rằng mình đã giăng bẫy được Jackson và đã tập trung hầu hết lực lượng để đối đầu với ông ta. Ngày 29 tháng 8, Pope bắt đầu một loạt cuộc tấn công vào vị trí của Jackson dọc theo tuyến đường xe lửa dốc đang làm dở. Các cuộc tấn công bị đẩy lui với thiệt hại nặng nề cho cả hai bên. Đến trưa, Longstreet tới nơi và đóng tại vị trí bên sườn phải của Jackson. Ngày 30 tháng 8, Pope tiếp tục tấn công, không biết rằng Longstreet đã đến chiến trường. Lực lượng pháo binh hùng hậu của miền Nam đã đánh tan tành cuộc công kích của quân miền Bắc, sau đó đội quân 28,000 người của Longstreet đã tiến hành cuộc phản công được biết đến như cuộc tấn công biển người lớn nhất trong Nội chiến. Sườn trái của quân miền Bắc bị phá nát và quân đội bị đẩy lùi trở lại Bull Run. Chỉ có nhờ một cuộc giao tranh tập hậu có hiệu quả của miền Bắc mới ngăn được thảm họa trong trận Bull Run thứ nhất tái diễn. Dù vậy cuộc rút lui của Pope về Centreville vẫn gặp khá nhiều trắc trở. Ngày hôm sau, Lee ra lệnh cho quân đội tiến hành truy kích.
Jackson đã tiến hành một cuộc hành quân bọc sườn lớn với hy vọng cắt đứt được đường rút lui của quân miền Bắc. Ngày 1 tháng 9, Jackson điều các sư đoàn của mình tấn công 2 sư đoàn miền Bắc trong trận Chantilly. Cuộc tấn công này của quân miền Nam đã bị chặn đứng sau một trận giao chiến ác liệt. Nhận ra rằng quân đội của mình vẫn còn đang trong tình trạng nguy hiểm, Pope ra lệnh tiếp tục rút lui về Washington.

[sửa] Cuộc xâm lăng Maryland



Chiến dịch Maryland, từ ngày 3 tháng 9 đến 15 tháng 9, 1862.
Đến lúc này, Lee tin tưởng rằng quân đội của mình, dù phải chịu nhiều tổn thất nặng nề trong cả mùa xuân và mùa hè, cũng đã sẵn sàng cho một thử thách lớn hơn: một cuộc xâm chiếm phương Bắc. Ông đặt mục tiêu tiến lên những tiểu bang lớn của miến Bắc là Maryland và Pennsylvania rồi cắt đứt tuyến đường xe lửa Baltimore & Ohio tiếp tế cho Washington. Ông cũng hy vọng cung ứng cho đội quân của mình nhờ vào những trang trại của miền Bắc chưa bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, không giống như ở Virginia. Và cuối cùng, ông muốn gây ảnh hưởng đến tâm lý chung của miền Bắc, tin rằng một đội quân xâm lăng tàn phá ngay trong lòng miền Bắc sẽ có thể buộc Lincoln phải tiến hành đàm phán kết thúc chiến tranh, nhất là khi ông đã kích động được một cuộc nổi dậy của giới chủ nô tại Maryland.
Binh đoàn Bắc Virginia vượt sông Potomac và tiến đến Frederick, Maryland ngày 7 tháng 9. Mục tiêu cụ thể của Lee là tiến quân về Harrisburg, Pennsylvania, cắt đứt tuyến đường xe lửa đông-tây nối với với miền Đông Bắc, sau đó tiến hành tấn công một trong những thành phố chính ở phía đông, ví dụ như Philadelphia. Thông tin về cuộc xâm lăng gây kinh hoàng cho miền Bắc, và Lincoln buộc phải cấp tốc hành động. George B. McClellan, bị lãng quên trong quân đội kể từ sau cuộc rút lui khỏi vùng Bán đảo, đã được Lincoln phục chức làm tổng chỉ huy toàn bộ lực lượng quanh Washington và ra lệnh cho ông ta đi đối phó với Lee.
Lee đã chia nhỏ quân đội của mình ra. Longstreet được phái đến Hagerstown, trong khi Jackson được lệnh đi chiếm kho vũ khí của quân miền Bắc tại Harpers Ferry, án ngữ tuyến đường tiếp tế của Lee qua Thung lũng Shenandoah; đây là một mục tiêu hấp dẫn, với vị thế hầu như không thể phòng thủ được. McClellan yêu cầu Washington cho phép bỏ Harpers Ferry và sáp nhập lực lượng đồn trú của nó vào quân đội của mình, nhưng bị từ chối. Ngày 15 tháng 9, trong trận Harpers Ferry, Jackson đã đặt pháo binh trên các cao điểm quanh thị trấn, bức hàng lực lượng đồn trú với hơn 12,000 người. Sau đó Jackson dẫn hầu hết lực lượng của mình đi hội quân với Lee, để lại sư đoàn của A.P. Hill hoàn tất việc chiếm cứ thị trấn.
McClellan rời Washington với đội quân 87,000 người, chậm chạp tiến quân đến Frederick ngày 13 tháng 9. Tại đó, 2 người lính miền Bắc đã phát hiện ra một bản sao kế hoạch chi tiết chiến dịch của Lee—Chỉ thị đại cương số 191—bọc quanh 3 điếu xì gà. Bản chỉ thị cho biết Lee đã chia nhỏ quân đội của mình và phân tán ra các nơi, như vậy là khiến cho từng phần bị cô lập và có thể bị đánh bại lần lượt. McClellan do dự 18 tiếng đồng hồ trước khi quyết định tận dụng lợi thế từ tin tình báo này, một sự trì hoãn suýt nữa đã làm lỡ mất cơ hội. Đêm hôm đó, Binh đoàn Potomac di chuyển về South Mountain tại đó các đơn vị thuộc Binh đoàn Bắc Virginia đã lập các tuyến phòng ngự trong hẻm núi. Trong trận South Mountain ngày 14 tháng 9, lính phòng thủ của miền Nam bị đẩy lui bởi lực lượng miền Bắc chiếm ưu thế về quân số, và McClellan đã sẵn sàng tiêu diệt quân đội của Lee trước khi nó tập hợp lại.


Trận Antietam.
Lee, hay tin về cuộc tấn công bất ngờ của McClellan, và được một người có cảm tình với phe miền Nam cho biết rằng kế hoạch của ông đã bị lộ, liền tức tốc hành quân để tập trung lại quân đội. Ông ta chưa chịu từ bỏ cuộc xâm lấn và trở về Virginia, do lúc này Jackson chưa hoàn thành việc chiếm cứ Harpers Ferry. Thay vào đó, ông chọn đóng ở lại Sharpsburg, Maryland.

[sửa] Antietam

Ngày 16 tháng 9, McClellan chạm trán với Lee ở gần Sharpsburg, lúc này đang phòng thủ trong tuyến phía tây rạch Antietam. Rạng sáng ngày 17 tháng 9, trận Antietam bắt đầu khi quân đoàn của trung tướng Joseph Hooker mở màn trận công kích mãnh liệt vào sườn trái của Lee. Các cuộc giao chiến giằng co trải dài từ cánh đồng Miller đến khu rừng gần nhà thờ khu Dunker. Những cuộc tấn công của miền Bắc tại đường Sunken (được mệnh danh là "Tuyến đường máu") cuối cùng đã chọc thủng được trung tâm của quân miền Nam, nhưng không duy trì được lợi thế. Đến chiều, quân đoàn của Burnside vượt qua cây cầu đá bắc qua rạch Antietam và đánh bọc sườn phải quân miền Nam. Đúng vào thời khắc nguy ngập này, sư đoàn của A.P. Hill đã từ Harpers Ferry tới đúng lúc và tổ chức phản công, đẩy lui quân của Burnside và cứu thoát đội quân của Lee khỏi bị tiêu diệt.
Mặc dù bị áp đảo bởi một lực lượng lớn gấp đôi, Lee đã tổ chức phát huy được toàn bộ sức mạnh của quân đội mình cùng một lúc, trong khi McClellan chỉ phối hợp điều động được chưa tới 3/4 sức mạnh. Điều này cho phép Lee di chuyển các lữ đoàn và tập trung đối phó với từng cuộc tấn công rời rạc của đối phương. Với thương vong lên tới hơn 23,000 người, đây là ngày đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Lee ra lệnh cho Binh đoàn Bắc Virginia rút lui qua sông Potomac về Thung lũng Shenandoah. Mặc dù bất phân thắng bại về mặt chiến thuật, trận Antietam vẫn được xem là một chiến thắng chiến lược của miền Bắc. Sau trận này, kế hoạch chiên lược của Lee trong cuộc xâm lấn Maryland xem như thất bại. Nhưng quan trọng hơn, Tổng thống Lincoln đã nhân dịp này để công bố bản Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ, làm tiêu tan hy vọng về việc người châu Âu ủng hộ miền Nam sẽ can thiệp vào cuộc nội chiến.

[sửa] Fredericksburg và Chancellorsville (1862–63)



Fredericksburg, 13 tháng 12, 1862.
Ngày 7 tháng 11 năm 1862, Tổng thống Lincoln đã cách chức McClellan khỏi vị trí chỉ huy do những thất bại của ông trong việc truy kích và đánh bại đội quân đang rút lui khỏi Sharpsburg của Lee. Ambrose Burnside, dù chỉ đóng một vai trò bình thường như là một chỉ huy quân đoàn tại Antietam, đã được chỉ định làm chỉ huy Binh đoàn Potomac. Một lần nữa, Lincoln thúc ép viên chỉ huy của mình phải tiến hành một cuộc tấn công trong thời hạn ngắn nhất có thể. Burnside hào hứng với nhiệm vụ và lên kế hoạch tiến thẳng xuống phía nam đến Richmond. Ông ta hy vọng đánh bạt sườn Robert E. Lee bằng cách nhanh chóng vượt sông Rappahannock tại Fredericksburg và án ngữ con đường nối giữa quân miền Nam và thủ đô của họ. Thế nhưng những khó khăn về hành chính đã ngăn các tàu thuyền phục vụ cho việc vượt sông không thể đến đúng thời điểm, và quân miền Bắc bị buộc phải chờ để qua sông tại Fredericksburg trong khi Lee đã nhân cơ hội này củng cố phòng tuyến trên các cao điểm sau thành phố. Thay vì bỏ cuộc hoặc tìm cách khác để tiến quân, Burnside vẫn vượt sông và ngày 13 tháng 12, mở đầu tiến hành công kích chính diện ồ ạt vào cao điểm Marye tại sườn trái của Lee. Dù cuộc tấn công diễn ra thành công hơn tại sườn phải của Lee, nhưng ông không tận dụng cơ hội đánh rấn mà khăng khăng đòi đánh vào các cao điểm kiên cố với nhiều đợt tấn công không hiệu quả. Quân miền Bắc mất hơn 12,000 người trong ngày hôm đó; thiệt hại của quân miền Nam ít hơn rất nhiều.
Mặc dù thất bại và bị mất lòng Washington, Burnside vẫn chưa bị thuyên chuyển khỏi chức vụ chỉ huy. Ông ta đã lên kế hoạch tái lập cuộc tấn công xuống phía nam tại Fredericksburg, nhưng đúng lúc đó đã xảy ra sự kiện Cuộc hành quân bùn nhục nhã vào tháng 1 năm 1863. Tiếp theo, một phe cánh các tướng lĩnh cấp dưới đã báo cáo với chính phủ rằng Burnside không đủ khả năng lãnh đạo quân đội. Một trong số đó là thiếu tướng Joseph Hooker, người sau đó được chỉ định làm chỉ huy Binh đoàn Potomac ngày 26 tháng 1 năm 1863. Hooker, với thành tích xuất sắc trên cương vị chỉ huy quân đoàn trong các chiến dịch trước đó, đã tận dụng khoảng thời gian còn lại của mùa đông để tái tổ chức và cung ứng cho quân đội, trong đó đặc biệt chú ý đến các vấn đề sức khoẻ và tinh thần của binh lính. Và với bản tính tích cực của mình, ông đã vạch một kế hoạch chi tiết cho một chiến dịch mùa xuân chống lại Robert E. Lee.
Lúc này quân đội cả 2 bên đều đang ở tại vị trí cũ trước trận Fredericksburg. Hooker lên kế hoạch điều kỵ binh dưới quyền thiếu tướng George Stoneman tiến sâu vào sau lưng quân miền Nam để phá vỡ các tuyến đường tiếp tế. Trong khi một quân đoàn ở lại để thu hút sự chú ý của Lee tại Fredericksburg, số còn lại sẽ ẩn mình và bí mật tiến hành một cuộc hành quân bọc sườn đưa phần lớn quân đội của Hooker ra phía sau Lee, đẩy ông ta vào một gọng kìm. Lee, do đã phái một quâm đoàn của trung tướng James Longstreet đi cắt cỏ ở nam Virginia, giờ bị áp đảo quân số với 57,000 người trước 97,000 quân địch.
Kế hoạch khởi đầu suôn sẻ, và phần lớn Binh đoàn Potomac đã băng qua sông Rapidan và tập kết tại đúng vị trí ngày 1 tháng 5. Thế nhưng sau vài trận giao chiến nhỏ ban đầu với đối phương, Hooker bắt đầu mất tự tin, và thay vì đánh vào sau lưng Binh đoàn Bắc Virginia như kế hoạch, ông ta lại rút lui về phòng thủ quanh Chancellorsville. Ngày 2 tháng 5, Robert E. Lee đã tiến hành một trong những cuộc hành quân mạo hiểm nhất trong toàn cuộc Nội chiến. Vốn đã chia nhỏ quân ra để đối phó với 2 mũi tấn công của Hooker, ông lại chia quân ra lần nữa, điều 20,000 người của Stonewall Jackson làm một cuộc tiến quân bọc sườn dài để đánh vào sườn phải không được bảo vệ của Hooker. Dù nhận được mệnh lệnh bất ngờ, quân đoàn của Jackson đã đánh tan tác quân đoàn số XI của miền Bắc do thiếu tướng Oliver O. Howard chỉ huy. Sau thắng lợi này, Jackson đã bị tử thương do đạn lạc từ chính quân mình trong khi đang dẫn đầu đoàn quân đi trinh sát.
Trong lúc Lee đang liên tiếp tấn công vào tuyến phòng thủ ở Chancellorsville, ngày 3 tháng 5 với cái giá khá đắt quân đoàn số VI của miền Bắc do thiếu tướng John Sedgwick dẫn đầu cuối cùng đã đạt được điều mà Ambrose Burnside không thể làm, đó là tấn công thắng lợi vào các lực lượng hiện đã bị suy yếu trên các cao điểm Marye tại Fredericksburg. Quân đoàn bắt đầu tiến về phía tây, một lần nữa đe dọa sau lưng của Lee. Lee đã đối phó lại được với cả 2 cánh quân của Binh đoàn Potomac, tiếp tục đẩy Hooker đang choáng váng vào thế phòng thủ và phái 1 sư đoàn đi chặn âm mưu tiếp cận của Sedgwick. Đến ngày 7 tháng 5, Hooker rút toàn bộ lực lượng về bờ bằc sông Rappahannock. Đây là một chiến thắng khá đắt giá đối với Lee: mất 13,000 người, tương đương 25% quân đội. Hooker mất 17,000 người, với tỷ lệ thương vong thấp hơn.

[sửa] Gettysburg và cuộc công kích mùa thu (1863)



Chiến dịch Gettysburg (đến hết ngày 3 tháng 7); kỵ binh di chuyển theo đường nét đứt.
Tháng 6 năm 1863, Robert E. Lee quyết định trên đà chiến thắng tại Chancellorsville mà lặp lại chiến lược năm 1862 và một lần nữa tiến quân xâm chiếm phương Bắc. Cuộc viễn chinh này một mặt nhằm mục đích tiếp tế cho quân đội, cho các nông trại ở Virginia một thời gian nghỉ ngơi trong chiến tranh, và mặt khác là một đòn đánh vào tinh thần nhân dân miền Bắc, có thể bằng cách chiếm lấy một thành phố quan trọng như Harrisburg, Pennsylvania hay Baltimore, Maryland. Chính quyền miền Nam miễn cưỡng tán thành chiến lược này duy nhất bởi vì Jefferson Davis lúc bấy giờ lo lắng cho số phận của pháo đài Vicksburg, Mississippi đang bị đe dọa trước chiến dịch Vicksburg của Ulysses S. Grant. Sau cái chết của Jackson, Lee tổ chức lại Binh đoàn Bắc Virginia làm 3 quân đoàn, do các trung tướng James Longstreet, Richard S. Ewell, và A.P. Hill chỉ huy .
Lee bắt đầu tiến quân theo hướng tây bắc từ Fredericksburg tới Thung lũng Shenandoah, tại đó dãy núi Blue Ridge che chắn cho cuộc hành quân bắc tiến của họ. Joseph Hooker, vẫn giữ chức vụ chỉ huy Binh đoàn Potomac, đã huy động lực lượng kỵ binh đi truy tìm Lee. Ngày 9 tháng 6, đã diễn ra trận Brandy Station là trận đánh kỵ binh lớn nhất trong cuộc Nội chiến, kết thúc bất phân thắng bại. Hooker thúc toàn bộ quân đội của mình truy kích, nhưng đến ngày 28 tháng 6, Tổng thống Lincoln hết kiên nhẫn với Hooker và cách chức chỉ huy của ông, thay thế bằng viên tư lệnh quân đoàn số V, thiếu tướng George G. Meade.
Lee bất ngờ khi nhận thấy quân miền Bắc di chuyển rất nhanh. Khi họ vượt sông Potomac tiến vào Frederick, Maryland, quân miền Nam còn đang phân tán trên một chiều dài rất lớn tại Pennsylvania, khi Richard Ewell đã qua sông Susquehanna tại Harrisburg thì James Longstreet vẫn còn ở sau dãy núi tại Chambersburg. Kỵ binh của ông, dưới qưyền chỉ huy của Jeb Stuart, đang bận giao chiến tại phía sườn phía đông của quân miền Bắc và bị mất liên lạc với tổng hành dinh, khiến Lee mù tịt không biết được vị trí và mục đích của đối phương. Lee nhận ra rằng, giống như trong chiến dịch Maryland, ông cần phải tập trung quân đội của mình trước khi bị đánh bại từng phần. Ông ra lệnh cho toàn thể các đơn vị di chuyễn về vùng lân cận Gettysburg, Pennsylvania.


Chiến dịch Gettysburg (5–14 tháng 7).
Trận Gettysburg thường được coi là bước ngoặt trong Nội chiến Hoa Kỳ. Meade đã đánh bại Lee trong một trận đánh kéo dài 3 ngày có 160,000 binh sĩ tham gia, với thương vong lên đến 51,000 người. Trận chiến mở màn sáng ngày 1 tháng 7, khi các lữ đoàn thuộc sư đoàn của Henry Heth đụng độ với kỵ binh của Buford, và sau đó là quân đoàn số I của John F. Reynolds. Khi quân đoàn số XI của miền Bắc đến nơi, họ và quân đoàn số I bị tấn công bởi các quân đoàn của Ewell và Hill đến từ phía bắc và bị buộc phải lùi về thị trấn, chiếm giữ các cao điểm phòng ngự trên gò đất cao phía nam thị trấn. Ngày 2 tháng 7, Lee tiến hành 2 cuộc tấn công lớn vào sườn trái và phải của quân đội Meade. Những trận chiến dữ dội diễn ra ác liệt tại Little Round Top, Devil's Den, Wheatfield, Peach Orchard, Đông đồi Cemetery, và đồi Culp. Meade đã bố trí được tuyến phòng ngự chiều sâu, và đã đẩy lùi được các cuộc tiến công của quân miền Nam. Ngày 3 tháng 7, Lee tiến hành cuộc tấn công vào cứ điểm Pickett's Charge ở trung tâm quân miền Bắc, nhưng gần toàn bộ cả 3 sư đoàn được huy động đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Đến lúc này, Stuart quay trở lại, và tiến hành một cuộc chiến kỵ binh bất phân thắng bại tại phía đông chiến trường chính, trong cố gắng tiến vào sau lưng quân miền Bắc. Quân đội 2 bên ở nguyên vị trí trong ngày 4 tháng 7 (cùng ngày hôm đó trận Vicksburg kết thúc với chiến thắng tuyệt đối của miền Bắc), và sau đó Lee ra lệnh rút ngược qua sông Potomac về Virginia.
Cuộc truy kích của Meade đuổi theo Lee đã không thành công. Ông bị phê phán mạnh mẽ từ phía Tổng thống Lincoln và những người khác, vì họ tin rằng sẽ có thể kết thúc chiến tranh sau trận Gettysburg nếu bắt được Lee. Hai chiến dịch tấn công cuối cùng của Meade trong mùa thu năm 1863, BristoeMine Run, không có nhiều ý nghĩa. Trong cả 2 lần, Lee đều tỏ ra vượt trội hơn Meade, khiến cho ông ta luôn phải chịu thiệt quân trong những cuộc tấn công trực diện.

[sửa] Grant đối đầu với Lee (1864–65)

Tháng 3 năm 1864, Ulysses S. Grant được thăng chức trung tướng và bổ nhiệm làm tổng chỉ huy quân đội toàn miền Bắc. Ông ta đã vạch ra một chiến lược tiến hành phối hợp để tiến công quân miền Nam tại nhiều điểm cùng một lúc, điều mà tổng thống Lincoln đã không ngừng đòi hỏi các tướng lĩnh của mình phải thực hiện kể từ đầu cuộc chiến. Grant cử thiếu tướng William T. Sherman làm chỉ huy toàn bộ lực lượng ở miền Tây và chuyển tổng hành dinh của mình sang Binh đoàn Potomac (lúc này vẫn do George Meade chỉ huy) tại Virginia, nơi ông dự định đánh một trận quyết định với quân đội của Lee; mục tiêu thứ hai của ông là chiếm Richmond, nhưng Grant biết rằng điều này sẽ tự động xảy đến một khi mục tiêu thứ nhất đã được hoàn thành. Chiến lược phối hợp này đòi hỏi Grant và Meade phải tấn công Lee từ hướng bắc, trong khi Benjamin Butler tiến thẳng về Richmond từ phía đông nam; Franz Sigel kiểm soát Thung lũng Shenandoah; Sherman xâm chiếm Georgia, đánh bại Joseph E. Johnston, và nắm giữ Atlanta; George CrookWilliam W. Averell tấn công tuyến đường xe lửa tiếp tế cho Tây Virginia; còn Nathaniel P. Banks chiếm Mobile, Alabama.[1]
Hầu hết các cuộc hành quân này đều khởi đầu thất bại, thường là do sự phân công các tướng lĩnh của Grant thiên về các lí do chính trị hơn là quân sự. Binh đoàn James của Butler bị sa lầy trước các lực lượng yếu hơn của P.G.T. Beauregard trước cổng thành Richmond trong chiến dịch Bermuda Hundred. Sigel bị đánh bại hoàn toàn trong trận New Market vào tháng 5 và sau đó bị thay thế bởi David Hunter. Banks lao đao với chiến dịch Red River và thất bại trong việc tiến vào Mobile. Tuy nhiên, Crook và Averell đã cắt đứt được tuyến đường xe lửa cuối cùng nối liền Virginia và Tennessee, còn chiến dịch Atlanta của Sherman cũng giành được thắng lợi, mặc dù phải kéo dài trong suốt mùa thu.[2]

[sửa] Chiến dịch Overland



Chiến dịch Overland, từ Wilderness đến khi vượt sông James.
Đầu tháng 5, Binh đoàn Potomac vượt sông Rapidan và tiến vào khu vực hoang vu thuộc vùng Spotsylvania. Tại đó, những rừng cây rậm rạp đã vô hiệu hoá cuộc hỏa lực pháo binh của miền Bắc, và Robert E. Lee đã bất ngờ công kích quyết liệt vào quân của Grant và Meade. Trận Wilderness kéo dài 2 ngày kết thúc bế tắc về chiến thuật, cả hai bên đều bị tổn thất nghiêm trọng. Tuy nhiên, không giống như những người tiền nhiệm, Grant không rút lui sau trận chiến; mà tiếp tục đưa quân đội tiến về phía đông nam và bắt đầu chiến dịch đẩy Lee vào thế phòng thủ qua một chuỗi trận đánh đẫm máu, ngày càng tiến sát Richmond. Grant biết rằng lực lượng hùng hậu của mình cùng với lợi thế nhân lực của miền Bắc có thể chịu đựng được một cuộc chiến tranh tiêu hao tốt hơn quân đội Lee và cả Liên minh miền Nam. Mặc dù Grant đã phải chịu tổn thất nặng nề—khoảng 55,000 quân—trong chiến dịch, nhưng Lee lại phải chịu thiệt hại về tỷ lệ quân số cao hơn, và đó là những thiệt hại không thể thay thế được.
Trong trận nhà tòa án Spotsylvania, Lee đánh bại được Grant tại thị trấn đầu mối giao thông này và thiết lập được một tuyến hòng ngự vững chắc. Với một loạt cuộc tấn công trong 2 tuần lễ, Grant liên tiếp công kích phòng tuyến quân miền Nam, chủ yếu tập trung vào điểm lồi gọi là "Móng la". Một cuộc tấn công mạnh mẽ do quân đoàn số II của Winfield S. Hancock tiến hành vào đoạn "khúc đẫm máu" của phòng tuyến này trong ngày 12 tháng 5 là tiền thân của chiến thuật phá vỡ hệ thống hầm hào sẽ được sử dụng vào cuối chiến tranh thế giới thứ nhất. Grant một lần nữa vượt qua và tiến sâu về phía đông nam.
Chặn đứng cuộc hành quân của Grant, Lee bố trí lực lượng của mình sau sông Bắc Anna thành một mũi nhọn nhằm buộc Grant phải chia quân tấn công đội hình này. Lee đã có cơ hội đánh bại Grant nhưng lại thất bại trong hành động quyết định để làm sập cái bẫy mà ông đã giương sẵn, có thể là do trận ốm lúc đó của ông. Grant tiếp tục tiến về phía đông nam.
Ngày 31 tháng 5, kỵ binh miền Bắc chiếm được chốt giao thông quan trọng sống nối với Old Cold Harbor trong khi quân miền Nam từ Richmond và phòng tuyến rạch Totopotomoy đã tới nơi. Cuối ngày 1 tháng 6, 2 quân đoàn miền Bắc tiến tới Cold Harbor và tấn công vào các công sự của miền Nam và thu được một số thành công. Đến ngày 2 tháng 6, quân đội cả 2 bên đã dàn quân tại chiến trường làm thành một trận tuyến dài 11 km. Rạng sáng ngày 3 tháng 6, quân đoàn II và XVIII, được quân đoàn IX yểm trợ, đã tấn công vào phòng tuyến và và bị tiêu diệt hoàn toàn tại tất cả các mũi tấn công trong trận Cold Harbor. Grant mất hơn 12,000 người trong trận đánh mà ông ta tỏ ra hối tiếc hơn bất cứ trận nào khác và báo chí miền Bắc sau đó thường quy cho ông biệt danh "đồ tể".
Tối ngày 12 tháng 6, Grant lại tiến quân theo sườn trái của mình, tién đến sông James. Ông ta đã che dấu được mục đích của mình trước Lee, và quân đội của ông vượt sông trên một cây cầu phao dài trên 640 m.[3] Điều làm Lee lo sợ nhất trong tất cả—là Grant đẩy ông ta vào trận chiến bao vây thủ đô—đã sẵn sàng xảy ra.

[sửa] Petersburg



Mặt trận Richmond-Petersburg, mùa thu 1864.
Tuy nhiên, Grant đã quyết định là có nhiều cách khả thi hơn để chiếm được Richmond. Cách đó vài dặm về phía nam, thành phố Petersburg án ngữ tuyến đường xe lửa tiếp tế chủ yếu cho thủ đô. Nếu quân miền Bắc có được thành phố này, Richmond cũng sẽ thất thủ. Thế nhưng trước đó Benjamin Butler đã thất bại trong việc chiếm Petersburg và sau đó các cuộc tiến công không cương quyết do cấp dưới của Grant tiến hành cũng thất bại trong việc phá vỡ phòng tuyến mỏng manh do quân của P.G.T. Beauregard trấn giữ, điều này cho phép quân đội của Lee kịp tới nơi và lập tuyến phòng ngự. Cả hai bên đều bố trí chuẩn bị cho một cuộc bao vây sắp diễn ra.
Trong một cố gắng công kích phòng tuyến, các toán quân thuộc quân đoàn của Ambrose Burnside đã đào hầm dưới phòng tuyến quân miền Nam. Ngày 30 tháng 7, họ đặt thuốc nổ tạo một hố bom có đường kính khoảng 41 m vẫn còn có thể nhìn thấy cho đến tận ngày nay. Gần 350 lính miền Nam chết tại chỗ do vụ nổ. Cho dù có một kế hoạch khéo léo, nhưng trong trận Hố bom kéo dài và đẫm máu, như tên gọi của nó, miền Bắc lại bị đánh bại bởi một đối phương có kế hoạch chiến thuật kém cỏi và đây là một chiến thắng quyết định của quân miền Nam.
Qua mùa thu và mùa đông, quân đội cả hai bên đều đã thiết lập một hệ thống chiến hào chằng chịt, kéo dài tổng cộng hơn 50 km, quân miền Bắc bắt đầu thử tiến đến sườn phải phía tây của quân miền Nam và phá hủy tuyến đường tiếp tế của họ. Mặc dù lúc này nhân dân miền Bắc tỏ ra khá chán nản do tiến độ có vẻ ỳ ạch tại Petersburg, thắng lợi đầy kịch tính của Sherman tại Atlanta đã giúp chắc chắn cho chiến thắng trong lần tái cử của Abraham Lincoln, bảo đảm rằng chiến tranh sẽ diễn ra đến thắng lợi cuối cùng.

[sửa] Chiến dịch Thung lũng (1864–65)

Thung lũng Shenandoah là một khu vực quan trọng đối với miền Nam. Đây là một trong những vùng nông nghiệp quan trọng nhất tại Virginia và là tuyến đường tiến công chủ yếu để xâm chiếm lên miền bắc. Grant đã hy vọng rằng đội quân của Cục Tây Virginia do Franz Sigel chỉ huy có thể nắm quyền kiểm soát vùng Thung lũng, tiến hành cuộc hành quân "tiến lên Thung lũng" với 10,000 người để phá hủy tuyến đường sắt trung tâm tại Lynchburg. Nhưng Sigel ngay sau đó bị đánh bại trong trận New Market và lập tức bị thay thế bằng David Hunter, người sau dó cũng bị thất bại trong nhiệm vụ tương tự.
Robert E. Lee, lúc này đang tham gia cuộc bao vây ở Petersburg, lo lắng về cuộc tiến quân của Hunter và phái quân đoàn của Jubal Early đi quét lực lượng của miền Bắc ra khỏi Thung lũng và nếu có thể, uy hiếp Washington D.C., với hy vọng buộc Grant phải giảm bớt sức ép quanh Petersburg. Early khởi đầu tiến quân thuận lợi. Ông ta tiến xuống Thung lũng không gặp kháng cự, vòng qua Harpers Ferry, vượt sông Potomac, và tiến vào Maryland. Grant điều quân đoàn của thiếu tướng Horatio G. Wright và các đạo quân khác dưới quyền George Crook đi tiếp viện cho Washington và truy bắt Early.
Trong trận Monocacy (ngày 9 tháng 7, 1864), Early đánh bại lực lượng yếu hơn của Lew Wallace gần Frederick, Maryland, nhưng trận đánh này đã hãm đà tiến công của ông đủ thời gian để tăng cường lực lượng phòng giữ Washington. Early tấn công một tiền đồn ở phía tây bắc tuyến phòng thủ vòng ngoài Washington (đồn Stevens) (ngày 11–12 tháng 7) không thành công và rút về Virginia. Ông đã giao chiến thắng lợi trong một chuỗi trận đánh nhỏ tại vùng Thung lũng vào đầu tháng 8 và chặn được quân đoàn của Wright đang trở lại với Grant tại Petersburg. Ông còn cho phóng hỏa thiêu cháy thành phố Chambersburg, Pennsylvania.
Grant biết rằng Washington sẽ còn gặp nguy hiểm nếu Early còn tự do hành động. Ông đã tìm được một viên tư lệnh mới đủ tháo vát để đánh bại Early: Philip Sheridan, chỉ huy kỵ binh của Binh đoàn Potomac, người được giao cho lãnh đạo toàn bộ lực lượng trong khu vực, hợp thành Binh đoàn Shenandoah. Đầu tiên Sheridan khởi hành chậm chạp, chủ yếu là do cuộc bầu cử tổng thống năm 1864 sắp tới đòi hỏi phải tiến quân thận trọng, tránh bất kỳ một tai biến nào có thể dẫn đến thất bại của Abraham Lincoln.
Sheridan bắt đầu hành quân tích cực trong tháng 9. Ông đánh bại Early trong trận Winchester thứ batrận Fisher's Hill. Với việc Early gặp tổn thất và bị kiềm chế, vùng Thung lũng trở nên rộng mở với quân miền Bắc. Cộng với việc Sherman chiếm được Atlanta, việc tái cử của Lincoln xem như chắc chắn thành công. Sheridan kéo dần xuống Thung lũng và tiến hành một chiến dịch tiêu thổ báo cho thấy trước cuộc hành quân về biển của Sherman trong tháng 11. Với mục đích triệt nguồn sống của quân miền Nam tại Virginia, quân đội của Sheridan đã đột sạch cây trồng, kho thóc, nhà máy, công xưởng.
Chiến dịch kết thúc thắng lợi với trận Cedar Creek (19 tháng 10, 1864). Trong một cuộc tấn công bất ngờ và xuất sắc, Early đánh tan tác 2/3 quân đội miền Bắc, nhưng đội quân của ông đói khát và kiệt sức nên đã rời hàng ngũ và xông vào cướp bóc các trại của đối phương; Sheridan xoay sở củng cố lại quân đội của mình và đánh bại được triệt để Early. Sheridan trở lại giúp Grant ở Petersburg. Hầu hết quân lính trong quân đoàn của Early tái hợp với Lee tại Petersburg trong tháng 12, Early tiếp tục chỉ huy một trong các lực lượng chủ chốt cho đến khi ông bị bãi nhiệm vào tháng 3 năm 1865.

[sửa] Appomattox



Cuộc rút lui của Lee trong chiến dịch Appomattox, 3–9 tháng 4, 1865.


Cuộc tấn công sau cùng của Grant vào Petersburg và khởi đầu cuộc rút lui của Lee.
Tháng 1 năm 1865, Robert E. Lee được thăng chức tổng chỉ huy toàn bộ quân đội miền Nam, nhưng việc bổ nhiệm này là quá trễ để có thể cứu vãn được sự nghiệp chung của Liên minh miền Nam.
Cuộc bao vây Petersburg tiếp diễn, Grant cố gắng phá vỡ hoặc bao vây lực lượng quân miền Nam bằng nhiều cuộc tấn công chuyển từ đông sang tây. Đến tháng 3, cuộc bao vây đã gây thiệt hại nặng nề cho cả hai bên, và Lee quyết định rút khỏi Petersburg. Trung tướng John B. Gordon sau đó đã đề xuất một kế hoạch đưa quân đội tấn công đồn Stedman nằm ở cực đông phòng tuyến quân miền Bắc, buộc đối phương phải thu hẹp trận tuyến. Mặc dù khởi đầu thu được thắng lợi, quân đoàn của ông do bị áp đảo về số lượng đã buộc phải rút lui.
Sheridan trở lại từ vùng Thung lũng và được giao nhiệm vụ bọc sườn quân miền Nam, khiến Lee phải điều quân của trung tướng George Pickett đến bảo vệ sườn. Grant tiếp đó triển khai một quân đoàn đi chia cắt lực lượng của Pickett, buộc ông ta phải rút về Five Forks ngày 31 tháng 3. Trong những ngày tiếp theo, quân miền Bắc tiếp tục đẩy mạnh tiến công, đánh mạnh vào sườn quân của Pickett và tiêu diệt hoàn toàn cánh trái của quân miền Nam.
Sau chiến thắng ở Five Forks, Grant ra lệnh tấn công dọc theo trận tuyến quân miền Nam, mở đầu trận Petersburg lần thứ ba, dẫn đến một cuộc đột phá đầy kịch tính. Trong những ngày tiếp theo, Lee kéo lực lượng của mình ra khỏi Petersburg và Richmond rồi hướng về phía tây tới Danville, nơi chạy trốn dự định của chính phủ miền Nam, và sau đó sẽ tiến về nam hội quân với Đại tướng Joseph E. JohnstonBắc Carolina. Thủ đô Richmond đầu hàng sáng ngày 3 tháng 4.
Chiến dịch Appomattox là một cuộc chạy đua giữa Lee và Sheridan, Lee cố gắng giành lấy những nguồn tiếp tế cho cuộc rút lui còn Sheridan cố gắng cắt đường của ông. Ngày 6 tháng 4, tại rạch Sayler, gần 1/4 quân miền Nam (khoảng 8,000 người, chủ chốt của 2 quân đoàn) đã bị chia cắt khỏi quân chủ lực và phải đầu hàng. Nhiều chuyến tàu chở hàng của miền Nam cũng bị mất. Tại điểm dừng chân cuối cùng của Lee ngày 9 tháng 4, quân đoàn kiệt sức của John B. Gordon đã cố gắng phá vỡ trận tuyến của miền Bắc và tiếp cận nguồn tiếp tế ở Lynchburg. Họ đã đẩy lui được kỵ binh của Sheridan nhưng rồi lại phải đối mặt với toàn bộ quân đoàn số V của miền Bắc. Họ bị bao vây ba mặt, và Lee cùng toàn bộ quân đội đầu hàng Grant tại tòa pháp dinh Appomattox.
Vẫn còn thêm nhiều cuộc chiến nhỏ và nhiều đơn vị khác khác của quân miền Nam ra hàng, nhưng việc đầu hàng của Lee ngày 9 tháng 4 năm 1865 được coi là mốc đánh dấu kết thúc cuộc Nội chiến. Đội quân mạnh nhất của miền Nam cùng với vị tướng tài giỏi nhất của nó đã bị đánh bại và được nhận những điều kiện đầu hàng rộng lượng trong danh dự. Lee, không nghe theo những lời khuyên của một vài người trong bộ tham mưu của mình rằng quân đội của ông nên phân tán vào nông thôn để tiếp tục tiến hành chiến tranh du kích, mà tỏ ý muốn góp phần hết sức để hàn gắn sự chia cắt đất nước.

[sửa] Chú thích

  1. ^ Eicher, trg 661, 691-92; Salmon, trg 251.
  2. ^ Eicher, trg 680-82, 691-93; Hattaway và Jones, trg 517-26.
  3. ^ Eicher, trg 687.

[sửa] Liên kết ngoài

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

» Cám ơn bạn đã ghé TiemNet.tk.
» Bạn có ý kiến thắc mắc hay bình luận gì về bài viết vui lòng viết nhận xét.
» Sử dụng Bộ Gõ Tiếng Việt Online này nếu máy chưa có sẵn bộ gõ.
» Bấm vào nút "Đăng ký qua email" bên dưới để theo dõi bài này

Related Posts with Thumbnails